Hóa trị và xạ trị là một trong những biện pháp phổ biến, quan trọng trong quá trình điều trị ung thư hiện nay. Sau quá trình hóa, xạ trị, một số tổn thương da có thể xuất hiện gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc bảo vệ, chăm sóc da đúng cách trong quá trình điều trị có thể giảm tác dụng phụ trên da, đẩy nhanh thời gian phục hồi làn da sau khi điều trị. Vậy, ta nên có cách chăm sóc da sau quá trình hóa – xạ trị như thế nào?
Những tổn thương da thường gặp sau hóa-xạ trị
Nội dung chính
Tùy thuộc vào phương pháp điều trị biểu hiện tổn thương da có thể từ nhẹ đến nặng. Khô da và kích ứng da là các tác dụng phụ khó chịu nhất được nhiều người bệnh phản ánh, các triệu chứng này thậm chí còn gây ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, chất lượng cuộc sống của người bệnh hơn cả việc mất ngủ, tiêu chảy, mệt mỏi, rụng tóc, buồn nôn và nôn.
Tình trạng da sau hóa trị liệu như nào?
Các tác dụng phụ ở da của bệnh nhân khi trải qua hóa trị là phát ban, khô da, ngứa, bất thường ở tóc, móng và viêm niêm mạc… Một trong những tổn thương thường gặp, dai dẳng và thường gây khó chịu nhất của người bệnh, đó là phản ứng da bàn tay – bàn chân và phát ban dạng trứng cá.
Phản ứng da bàn tay – bàn chân là phản ứng da thường xuất hiện trong vòng 6 tuần kể từ khi bắt đầu hóa trị và thường gặp nhất trong 2-4 tuần đầu tiên. Biểu hiện của phản ứng da thường gặp là các mảng dày da, cứng, xung quanh có quầng đỏ, đôi khi xuất hiện cả mụn nước và hình thành sẹo.
Hội chứng bàn chân – bàn tay: có biểu hiện da gần giống với phản ứng da bàn tay – bàn chân, tuy nhiên hội chứng này thường sưng nề, mụn nước, đau, căng, cảm giác dị cảm mà không có dày sừng.
Phát ban dạng trứng cá: là xuất hiện các tổn thương giống như mụn trứng cá nghiêm trọng trên da đầu, mặt, cổ và ngực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phát ban dạng trứng cá thường có dấu hiệu thuyên giảm khi kết thúc đợt điều trị.
Tình trạng da sau xạ trị như nào?
Theo thống kê, khoảng 95% bệnh nhân ung thư đều có những thay đổi ở da sau xạ trị. Tuy nhiên tùy vào liều lượng bức xạ và cơ địa phản ứng với bức xạ của cơ thể, mà mỗi người sẽ có mức độ phản ứng khác nhau với các triệu chứng từ đỏ da đến phồng rộp, loét da. Với những người có tiền sử hút thuốc lá, tiểu đường, bệnh lý tăng huyết áp, bệnh mô liên kết (viêm khớp dạng thấp, viêm bì cơ …) hoặc tiền sử ung thư da ở khu vực được chiếu xạ, thì phản ứng này xảy ra nặng hơn và chậm lành da hơn.
Phản ứng da sau xạ trị thường gặp:
- Đỏ da hoặc bỏng tại nơi điều trị: sau khi xạ trị, da có thể trở nên đỏ tươi hoặc sẫm màu và sưng nề. Cảm giác khô da, căng, ngứa, bong tróc cũng là phản ứng da thường gặp.
- Phát ban hoặc nổi mụn nước ở vùng da đang được xạ trị. Những mụn nước này có thể vỡ, để lại những vết trợt da, loét da. Trong trường hợp da bị loét trợt, cần chú ý chăm sóc da tránh nhiễm khuẩn thứ phát.
- Tăng, giảm sắc tố kéo dài, dày sừng, xơ hóa, teo da, giãn mạch có thể gặp sau nhiều tháng hoặc nhiều năm điều trị.
Hướng dẫn chăm sóc da sau hóa – xạ trị
- Tránh kích thích lên vùng da đang được điều trị: nên mặc quần áo rộng, hạn chế trang điểm, hạn chế sử dụng nước hoa hoặc cạo râu ở khu vực da đang được điều trị. Không tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Tránh sử dụng sản phẩm có hương thơm: Các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm thường chứa hương thơm rất có thể gây kích ứng làn da của bạn.
- Tránh sử dụng sản phẩm chống mồ hôi và bột thạch cao. Thành phần trong các sản phẩm này có thể làm tăng lượng bức xạ nhận được. Có thể sử dụng các sản phẩm khử mùi thay cho sản phẩm chống mồ hôi. Tuy nhiên, nếu xuất hiện phản ứng dị ứng: đỏ da, sưng hoặc đau khi sử dụng chất khử mùi, hãy ngừng sử dụng ngay.
- Nên giữ ẩm thường xuyên cho da: việc da bị khô sẽ gây ra cảm giác ngứa rát, vì vậy, việc sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm nên được bắt đầu sớm ngay từ khi điều trị. Chú ý, khi chọn một loại kem dưỡng ẩm, nên chọn loại không có mùi thơm hoặc không chứa lanolin (còn được gọi là mỡ lông cừu, dễ gây bít tắc nang lông, gây viêm nang lông). Đặc biệt, không bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bị trầy xước hoặc có vết thương hở.
- Nên sử dụng các biện pháp chống nắng: Sử dụng quần áo, mũ chống nắng, kem chống nắng thường xuyên nhằm hạn chế bỏng nắng, sạm da, lão hóa, ung thư da, nhất là ở các vùng da xạ trị – nơi có nguy cơ ung thư da cao hơn gấp nhiều lần. Nên sử dụng kem chống nắng không chứa PABA (para-aminobenzoic acid – dễ gây kích ứng cho da) với chỉ số SPF từ 30 trở lên.